Cảnh hoàng hôn trên bãi biển thật thơ mộng

Hãy chiêm ngưỡng thiên nhiên bạn sẽ thấy những điều tuyệt với

Hạnh phúc nào ở đâu xa vì nó đang ở trong trái tim tôi

Những điều tuyệt vời sẽ tới với bạn

Thiên nhiên thật hùng vĩ

Những điều tuyệt vời sẽ tới với bạn

Cầm bút và viết

Hãy thể hiện khả năng viết lách của bạn

Viết bằng tất cả cảm xúc của bạn

Việc khó nhất không phải nghĩ ra ý tưởng mà là ngồi xuống và cầm bút viết

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Vài cập nhật về tình hình thế giới trong đại dịch

 Mấy hôm rồi chờ bộ số liệu mới được duyệt nên mình có chút thời gian mà hóng hớt tình hình thực tế của các nước trên thế giới trong đại dịch, vậy nên muốn tổng hợp 1 vài thông tin mình nghĩ là đáng được chú ý cho mọi người.


img_0
Nguồn ảnh: Google
Một vài số liệu về những hậu quả tiêu cực từ việc đóng băng nền kinh tế đã được cập nhật trong mấy ngày vừa qua. Ở Mỹ, số lượng người mất việc đã lên tới 26 triệu người (con số đưa ra bởi Anne Case, giám đốc viện nghiên cứu về phát triển kinh tế của Princeton Uni, trong bài phỏng vấn ngày hôm qua với RSA, link Youtube cuối bài). Ở Anh, tình hình có vẻ khả quan hơn một chút, khi giáo sư Richard Blundell của UCL hôm nay báo cáo rằng chỉ có 1,8 triệu người mới nộp đơn xin trợ cấp (UC claim form). Không có gì lạ, khi giống như Đức, chính phủ Anh đã có những biện pháp rất mạnh tay, như chi trả 80% lương cho nhân viên các công ty phải dừng hoạt động hay những người làm việc tự do, với hy vọng họ sẽ tiếp tục công việc trước đại dịch và từ đó tránh tình trạng tỷ lệ thất nghiệp bị đẩy lên cao do một bộ phân lao động thay đổi việc làm sau dịch.
Tuy nhiên, với một số ngành nghề, điều này là không thể. Ngày 28 tháng 4 vừa qua, một bài báo của BBC đưa tin British Airways sẽ cắt giảm 12.000 nhân viên trong tổng số 42.000 nhân viên của họ (gần 30%), và gần như tất cả các hãng hàng không khác cũng đã, đang, hay sẽ sớm làm tương tự. Không chỉ hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng, và một loạt các ngành liên quan cũng sẽ chứng kiến tỷ lệ mất việc rất cao, trong ít nhất là 1 năm tới (trong cùng bài báo của BBC, British Airways cho rằng họ sẽ không thể có được số lượng khách hàng như 2019 trong ít nhất là vài năm tới).
img_1
Gần như tất cả máy bay đang đắp chiếu. Nguồn ảnh: Google
Bên cạnh việc tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, một điều được tất cả các chuyên gia kinh tế khẳng định là đại dịch đang làm nghiêm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về kinh tế/thu nhập ở mọi nơi. Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở những lao động thu nhập thấp, khi họ chỉ có hai lựa chọn trong thời điểm này: (1) là tiếp tục công việc (như nhân viên siêu thị), tức là chịu rủi ro trực tiếp đến tính mạng mình khi di chuyển và ở chỗ làm, và (2) là nghỉ việc, và nếu ở các quốc gia không có trợ cấp lương trực tiếp từ chính phủ thì họ sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu thốn nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống.

img_2
Ảnh hưởng của đại dịch nghiêm trọng hơn rất nhiều cho những người thu nhập thấp. Nguồn ảnh: Google
Đợt khủng hoảng này được cho rằng cũng sẽ khiến cơ cấu kinh tế có những thay đổi lớn. Trong khi các công ty lớn như Facebook, Google, Amazon thậm chí còn có thể có lợi từ khủng hoảng đại dịch, thì như thường lệ, nhóm công ty chịu ảnh hưởng lớn nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Theo nguồn dữ liệu khảo sát của Trung Quốc và UK (có lẽ có thể mở rộng ra toàn thế giới), hơn 80% số doanh nghiệp SMEs có dự trữ thanh khoản (tiền mặt) dưới 3 tháng. Với việc 60-70% số lượng lao động làm việc cho nhóm này, việc họ đang đối mặt với nguy cơ phá sản sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ thất nghiệp cũng như hệ thống phân phối của tất cả các quốc gia. Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi thời gian lockdown kết thúc, cả về cung (do ảnh hưởng từ những trục trặc có thể dự đoán của chuỗi cung ứng sau đại dịch) và cầu (do tâm lý người tiêu dùng sẽ có phần nghi ngại, và có những dự đoán cho thấy cần một độ trễ nhất định trước khi lượng cầu có thể trở lại mức trước đại dịch). Vậy nên khá nhiều cảnh báo đã được đưa ra đề nghị chính phủ tiếp tục các biện pháp hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp này trong thời gian sau lockdown, cũng như có những chính sách kích cầu hợp lý.

Nói thêm một chút về Mỹ, hôm nay mình có dự thính bài phỏng vấn của Royal Economic Society với ngài Angus Deaton, người đạt giải Nobel kinh tế năm 2015, ông đã cực kỳ quan ngại về tình hình bất ổn chính trị của Mỹ trong đại dịch. Trước sự vô dụng của chính phủ Trump, hàng loạt chính quyền các bang đang có kế hoạch liên kết xây dựng một chính quyền dân chủ tạm thời để đưa ra những quyết định trong trường hợp khẩn cấp này. Sir Deaton đã kết thúc một cách khá tiêu cực, khi ông cho rằng nếu Mỹ có thể kết thúc đại dịch mà không có một bất ổn chính trị nào lớn đã là một thành công. Còn trong bài phỏng vấn với RSA hôm qua (cùng vợ ông - bà Anne Case, trích ở trên), hai vợ chồng đã đưa ra quan ngại về tỷ lệ tội phạm cũng như số lượng tử vong do một loạt các vấn đề khác sẽ rất cao ở Mỹ trong thời gian sau đại dịch, vì rất nhiều lý do như thất nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý do chính thời gian giãn cách xã hội mang lại. 
Bất ổn cả về chính trị và xã hội rất có thể sẽ khiến Mỹ phải khốn đốn trong nhiều năm tới. Hy vọng đồng bào mình ở Mỹ cẩn trọng trong giai đoạn khó khăn này :(

Đối với đất nước 1 mình 1 kiểu - Thụy Điển, nước duy nhất trong EU không thiết lập chế độ lockdown nghiêm ngặt và gần như vẫn mở cửa tất cả các dịch vụ của mình, bài báo ngày hôm nay (30/04) trên The Sun cho thấy có lẽ họ sẽ là nước cuối cùng trên thế giới phải thừa nhận đó là một chính sách không hợp lý khi đối mặt với đại dịch, khi số lượng ca nhiễm đã tăng kỷ lục 790 ca ngày hôm qua, và tỷ lệ chết trên đầu người của Thụy Điển thậm chí cao hơn cả ở Mỹ. Mình khá tò mò về Thụy Điển, đất nước đã được khá nhiều bạn bè mình cho là có loài người "lạnh" nhất thế giới, gần như cực kỳ ít nói chuyện (có lẽ vì vậy nên họ tự tin chẳng cần giãn cách). Mình cũng nhớ đọc được đâu đó rằng Thụy Điển đã xây dựng một hệ thống thể chế (Institutional system) rất khác, hạn chế khá nhiều việc áp dụng trực tiếp các chính sách của chính phủ lên cộng đồng. Mình rất muốn tìm hiểu về đề tài này mà chưa có thời gian, vậy nên nếu có bạn nào đang sống ở đó hay biết về nó có thể chia sẻ thì hay quá.
img_3

Về dài hạn, theo bài nghiên cứu mới công bố của FED và đại học California, sử dụng số liệu từ những cuộc khủng hoảng sau đại dịch trước đây, nhóm tác giả đưa ra kết luận rằng những tác động kinh tế tiêu cực của khủng hoảng sau đại dịch có thể lên đến 40 năm. Lý do chính họ đưa ra cho việc khủng hoảng sau đại dịch thậm chí còn kéo dài hơn khủng hoảng sau chiến tranh, là vì sau chiến tranh, với thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nền kinh tế có định hướng và có lối thoát sau thảm kịch. Tuy nhiên, với khủng hoảng sau đại dịch, những khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng và máy móc không thể cao như vậy, khiến việc làm không được tạo thêm, và các chính sách rất khó để có thể có tác dụng vực dậy nền kinh tế.

img_4
<3. Nguồn ảnh: Google.
Dông dài như thế, chỉ để khẳng định rằng có lẽ mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ chưa hiểu được hết sự may mắn của mình, khi chính phủ Việt Nam đã làm quá tốt trong việc chống dịch lần này. Chắc chắn sẽ vẫn có những hậu quả tiêu cực nhất định (với những ngành nghề không thể tránh khỏi như hàng không hay du lịch), nhưng nếu so với thế giới, đặc biệt trong tâm thế một nước đang phát triển, thì thực sự đây là một thành công có lẽ khó có thể ca ngợi hết bằng lời nói.
Tuy nhiên, đây có lẽ chưa phải lúc để vui mừng. Rất nhiều nhà khoa học vẫn khẳng định chúng ta chưa thực sự hiểu hết về con virus này, đặc biệt khi nhiều người đã tuyên bố khỏi bệnh lại có thể bị lại một cách khó hiểu. Đồng thời, với việc chúng ta vẫn còn cách thời điểm có thể sử dụng rộng rãi vaccine ít nhất là 6-10 tháng, thì việc mở cửa thông thương là rất nguy hiểm.

Vậy nên có lẽ đây là lúc chúng ta cần phải thực sự cẩn trọng, thay vì vui mừng được chấm dứt cách ly xã hội thì hãy sử dụng những nguồn lực của mình một cách có tính toán, để chuẩn bị cho những tác động tiêu cực có thể đến do tình hình thế giới trong thời gian tới.

Bạn đang làm gì cho 100 năm sau?

 70 năm trước, hai quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, cướp đi sinh mạng hơn 200.000 nghìn người dân của đất nước này. Mỹ muốn dùng hành động đó để kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai và họ đã đạt được mục tiêu của mình. Tuy nhiên trong từng giờ từng khắc của 70 năm qua và tương lai vô tận sau này, hàng triệu người dân Nhật Bản vẫn phải chịu đựng nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần.


img_0


Không bị tàn phá bởi thứ vũ khí hủy diệt nguy hiểm nhất hành tinh như những người dân đất nước mặt trời mọc, thế nhưng người dân Việt Nam cũng phải chịu đựng một nỗi đau dai dẳng, tàn khốc. Đó là sự ảnh hưởng từ chất độc màu da cam mà quân đội Mỹ sử dụng làm chất phát quang trong chiến tranh Việt Nam, khiến cho gần 5 triệu người Việt Nam phải sống trong sự giày vò của bệnh tật, hàng vạn đứa trẻ được sinh ra không thể thành người. Ảnh hưởng của chất độc màu da cam không chỉ lên một mà nhiều thế hệ người Việt Nam và ước tính sẽ kéo dài hàng trăm năm.


img_1


Người Mỹ đã đạt được những mục đích tức thời của họ. Họ kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai với niềm kiêu hãnh của người chiến thắng sau khi tàn phá nước Nhật. Họ làm trụi lá hàng triệu km2 những cánh rừng ở miền Nam Việt Nam để những người lính Việt Nam không có chỗ trú ẩn. Thế nhưng để đạt được những mục đích trước mắt đó, họ đã bất chấp những hậu quả lâu dài về sau, họ đã hi sinh tương lai của hàng triệu người trên thế giới. Đó là tội ác với nhân loại, đi ngược lại những tư tưởng văn minh, tiến bộ và hữu ái của loài người.

Chúng ta biết về những thông tin ấy, khó có ai không có một chút thượng xót ngậm ngùi. Tuy nhiên, rồi nhiều người cũng sẽ quên, bởi chiến tranh vốn tàn khốc khó tránh khỏi mất mát đau thương, bởi nước Nhật cách xa hàng nghìn cây số, bởi những nạn nhân của chất độc màu da cam không phải lúc nào cũng hiện hữu trước mắt chúng ta… Mà chúng ta, trong định nghĩa những con người bình thường nhất, thì không thể gây ra chiến tranh và vì thế cũng chẳng thể gây ra tội ác với nhân loại.

Nhưng chừng nào con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas thì chưa nói tới chiến tranh, ngay cả những hành động hàng ngày của chúng ta cũng có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng lớn lao.

Như cái cách người Mỹ đã dùng để kết thúc chiến tranh ở Nhật Bản và phát quang những cánh rừng ở Việt Nam, con người thường khó cưỡng lại sức hấp dẫn của những lợi ích trước mắt mà bất chấp những điều xảy ra trong tương lai. Công nghiệp cần gỗ, các nhà máy đua nhau lên rừng chặt. Doanh nghiệp muốn “tiết kiệm” chi phí  xử lý nước thải, họ xả trực tiếp ra môi trường. Sinh viên muốn có thành tích học tập cao mà không muốn bỏ sức, họ quay cóp. Cửa hàng ăn muốn có lợi ích “không đáy”, họ sử dụng thực phẩm kém chất lượng… Đến khi 17 người thiệt mạng và hàng nghìn tỉ đồng bị mất đi trong trận mưa lịch sử ở Quảng Ninh thì người ta mới biết những cánh rừng bị chặt trụi ở Yên Tử, Quảng Yên, Vân Đồn… quan trọng như thế nào. Khi cá chết nổi trắng sông Thị Vải, 2700ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề và hàng vạn người dân sống ven sông mất đi nguồn nước sạch, người ta mới biết cái “tiết kiệm” trước mắt đã gây ra hậu quả ra sao. Hay gần đây hơn, Formosa gây ô nhiễm biển trầm trọng người ta mới chợt hoảng hồn, trước nay nào có biết nên "chọn cá hay chọn thép"? 


img_2


Tuy nhiên không chỉ sự ham mê những lợi ích tức thời mới dẫn đến những kết quả tồi tệ. Rất nhiều khi chúng ta chủ quan cho rằng hành động của mình vô hại nhưng sự thật lại không hề như thế. Trong những cuộc nói chuyện thường ngày, chúng ta nói đùa cho… vui nhưng người nghe có thể tổn thương suốt đời. Chúng ta vất “tạm” rác ra đường vì đằng nào cuối ngày cuối ngày cũng có công nhân vệ sinh đi dọn dẹp nhưng nếu một đứa trẻ chứng kiến hành động đó chúng có thể quên những bài học về bảo vệ môi trường trên sách vở vì “thực tế có sức mạnh của chân lý”. Chúng ta cho một người bạn chép bài vì “một lần cũng chẳng ảnh hưởng gì” nhưng biết đâu đó không phải là sự bắt đầu của tính ỷ nại ở người bạn đó. Nhiều vấn đề nhỏ sẽ trở thành vấn đề lớn, sự bỏ qua hay thờ ơ với những cái tầm thường sẽ là khởi đầu những cái bất thường trầm trọng. Cuộc sống là một dây chuyền lớn vô hạn mà mỗi sự việc tồn tại trong mối tương tác với rất nhiều sự việc khác. Vì thế, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu những việc làm ngày hôm nay của chúng ta đến 100 năm sau vẫn còn hậu quả dù có khi chẳng còn ai nhớ nổi chúng ta là ai nữa.

Nhưng, thay vì gây ra những hậu quả, bạn hoàn toàn có thể làm việc gì đó mang lại lợi ích cho một thế kỷ sau. Hầu hết chúng ta đều bị giới hạn bởi những suy nghĩ bản thân mình thuộc về số đông những người bình thường và dành phần cống hiến lớn lao cho một bộ phận nhỏ những cá nhân xuất sắc trên toàn nhân loại. Tuy thế, không phải chỉ Darwin, Einstein, Mẹ Teresa… mới có thể đóng góp vào sự phát triển của nhân loại. Thực ra, chỉ bằng những hành động nhỏ mỗi ngày, chúng ta hoàn toàn có thể đem lại cuộc sống tốt đẹp không chỉ cho hiện tại mà cả trong tương lai. Thay vì vất rác ra đường, hãy bỏ rác vào thùng rác; thay vì thờ ơ bước qua một người già đang loay hoay tìm cách qua đường, hãy dừng lại giúp đỡ họ; thay vì dành hết mọi khoản tiền cho sự thỏa mãn cá nhân, hãy bớt ra một chút để giúp đỡ những người nghèo khó… Có thể sẽ chẳng có một sự ghi nhận nào cho những hành động nhỏ bé đó nhưng con đường tiến bộ của nhân loại không thể chỉ hình thành từ sự khai phá của hữu hạn những người “có danh” mà phải có sự đóng góp của vô hạn những bước chân vô danh.

Bạn có tin 100 năm sau sẽ có rất nhiều người ngồi dưới bóng cây tươi mát của mầm xanh bạn vun trồng ngày hôm nay và cảm ơn một người nào đó đã trồng lên nó?


img_3

Sáng tạo cần đến những kẻ bất tuân lương thức và không ưa trách nhiệm

 

Ghi chú từ Arthur Obermayer, bạn của tác giả:

Năm 1959, tôi làm khoa học cho Tổ chức Nghiên cứu Đồng minh ở Boston. Đây là công ti spin-off của đại học MIT, vốn tập trung nghiên cứu vào tác động của vũ khí hạt nhân lên cấu trúc máy bay. Công ti nhận được bản Cương lĩnh chỉ đạo về việc Nghiên cứu Chống tên lửa từ Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến để tìm ra cách thức sáng tạo nhất cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Chính phủ thấy rằng dù có đổ bao nhiêu tiền để cải thiện và mở rộng công nghệ hiện có thì vẫn là không đủ. Họ muốn chúng tôi cùng vài nhà thầu khác làm sao vắt óc cho ra ý tưởng đột phá.
Ngay khi bắt tay vào dự án, tôi liền đề đạt để ông bạn vàng Isaac Asimov được cùng tham gia. Ông ấy rất sẵn lòng và đã dự một vài buổi họp. Nhưng cuối cùng lại xin thôi, bởi ông không muốn tiếp cận thông tin mật; việc đó hạn chế quyền tự do bày tỏ của ông ấy. Tuy nhiên trước khi rời đi, ông đã viết một bài luận về sáng tạo, coi như là đóng góp chính thức và duy nhất đến nhóm. Bài luận này chưa từng được công bố hay sử dụng ở đâu ngoài nhóm nhỏ chúng tôi. Gần đây khi thấy lại nó trong lúc dọn dẹp tài liệu cũ, tôi nhận ra nội dung bài luận hết sức xác đáng với thời đại nay, y như đã từng xác đáng với thời ông ấy viết. Nó không chỉ mô tả quá trình sáng tạo và bản chất của người sáng tạo, mà còn cả về những dạng môi trường thúc đẩy óc sáng tạo.

BÀN VỀ SÁNG TẠO

Isaac Asimov

Làm thế nào người ta nảy ra ý tưởng mới?
Có lẽ thế này, quá trình sáng tạo, dù sáng tạo cái gì, về cơ bản đều giống nhau từ đỉnh cao nhất cho đến đáy thấp nhất, vậy nên những cuộc phát triển hình thức nghệ thuật mới, chi tiết máy mới, nguyên lí khoa học mới, tất thảy đều có một nhân tố chung. Tuy chúng ta rất quan tâm đến việc “sáng tạo” ra nguyên lí khoa học mới hoặc một ứng dụng mới từ nguyên lí cũ, nhưng ở đây hãy bàn về cái cốt lõi đã.
Cách điều nghiên vấn đề này là xem xét những ý tưởng vĩ đại trong quá khứ được nảy ra như thế nào. Xui xẻo thay, cách thức nảy ra ý tưởng cũng không hề rõ ràng với chính người nảy ra ý tưởng.
Sẽ ra sao nếu một ý tưởng trác tuyệt đồng thời ập đến hai người tách biệt? Có lẽ lúc này cái nhân tố chung sẽ hé lộ. Hãy xét đến thuyết tiến hoá do chọn lọc tự nhiên, được nảy ra một cách độc lập từ hai người là Charles Darwin và Alfred Wallace.
Có rất nhiều điểm chung ở đây. Cả hai đều chu du khắp chốn, quan sát nhiều loài động và thực vật xa lạ cũng như khác biệt giữa chúng từ nơi này đến nơi khác. Cả hai đều tận tâm tìm lời giải cho vấn đề, và cả hai đều thất bại trước khi đọc được Tiểu luận về dân số của Malthus.
Rồi cả hai đều thấy ý tưởng quá tải dân số và loại bớt cá thể (Malthus áp dụng cho loài người) rất phù hợp với học thuyết tiến hoá do chọn lọc tự nhiên (áp dụng cho tất cả các loài).
Như vậy, rõ ràng điều cần thiết ở đây không chỉ là những bậc thầy trong một lĩnh vực nhất định, mà còn là những người có thể kết nối giữa điều này và điều kia mà bình thường trông chúng dường như không liên quan.
Chắc chắn là nửa đầu thế kỉ thứ 19 có rất nhiều nhà tự nhiên học nghiên cứu về khác biệt giữa các loài. Rất nhiều người đã đọc Malthus. Có lẽ vài người cả nghiên cứu loài lẫn đọc Malthus. Nhưng thứ ta cần là ai đó vừa nghiên cứu loài, vừa đọc Malthus, vừa có khả năng đan chéo hai việc lại.
Cái điểm chéo này là điểm hiếm có mà ta cần tìm kiếm. Một khi đã đan chéo thành công, mọi chuyện rất dễ thấy. Tương truyền Thomas H. Huxley đã thốt lên thế này sau khi đọc Bàn về nguồn gốc các loài, “Ta thật ngu xuẩn quá khi có thế cũng không nghĩ ra.”
Nhưng tại sao chúng ta có thế cũng không nghĩ ra? Lịch sử tư tưởng của loài người cho thấy dường như chúng ta rất khó ghép thành ý tưởng ngay cả khi tất cả mảnh ghép đều đã được bày sẵn. Việc đan chéo các sự kiện đòi hỏi tính táo bạo. Bắt buộc phải táo bạo, bởi bất cứ hành vi đan chéo nào không đòi hỏi tính táo bạo để đồng thời thực hiện và phát triển thì đều không phải là “ý tưởng mới”, mà chỉ là “hệ quả của ý tưởng cũ” mà thôi.
Chỉ mãi về sau thì cái ý tưởng mới đó mới có vẻ hợp lí. Thuở ban đầu, ý tưởng mới trông thường vô lí. Quá sức là vô lí khi cho rằng trái đất hình cầu thay vì phẳng, hoặc trái đất quay quanh mặt trời thay vì ngược lại, hoặc vật thể có lực ngăn chúng lại khi chuyển động, thay vì có lực để duy trì chuyển động của chúng, cùng những ý tưởng tương tự khác.
Một người sẵn sàng bác bỏ những gì được cho là đúng đắn, là quyền lực, là lương thức [*] thì hẳn là người vô cùng tự tin. Bởi người như thế rất hiếm, nên y hẳn sẽ khác người (ít nhất là ở khía cạnh đó). Kẻ đã khác người ở một khía cạnh thường cũng khác người ở khía cạnh khác.
Do đó, những người dễ nảy ra ý tưởng nhất là những bậc thầy trong một lĩnh vực và bất tuân lương thức. (Nói thế không có nghĩa mấy tên ấm đầu đủ tiêu chuẩn nhé.)
img_1
Tranh: Andy Friedman
Khi đã có đúng những người các anh muốn, câu hỏi tiếp theo là: Anh có nên để họ gặp nhau và cùng thảo luận vấn đề, hay nên đưa mỗi vấn đề cho mỗi người và để họ giải quyết trong đơn độc?
Theo tôi thấy, đối với việc sáng tạo thì bắt buộc phải đơn độc. Người sáng tạo dù trong trường hợp nào cũng luôn làm việc cật lực. Thông tin lúc nào cũng vần vũ trong đầu họ, kể cả khi họ không nhận ra điều đó. (Chắc ai cũng biết trường hợp Kekule tìm ra cấu trúc của benzene trong giấc mơ.)
Hiện diện của người khác chỉ gây ra ức chế quá trình này, bởi sáng tạo là việc cần kín đáo. Với mỗi ý tưởng mới nảy ra, ta có trăm ngàn vạn ức ý tưởng ngờ nghệch mà cố nhiên không muốn cho ai biết.
Tuy nhiên, tổ chức buổi gặp mặt cho những con người ấy có thể để hướng đến mục đích khác với sáng tạo.
Không hai người nào có vốn tri thức giống hệt nhau. Người này có thể biết A mà không biết B, người kia có thể biết B mà không biết A, hoặc biết cả A lẫn B, cả hai có thể nảy ra ý tưởng—không nhất thiết phải nảy ra ngay hay sớm.
Hơn nữa, thông tin có thể không chỉ là A và B, mà có thể là tổ hợp A-B chẳng hạn, dù nó có thể không đáng để tâm. Tuy nhiên, nếu người này đưa ra tổ hợp dị thường A-B và người kia đưa ra tổ hợp A-C, rất có thể tổ hợp A-B-C mà chưa ai nghĩ đến có thể dẫn đến câu trả lời.
Theo tôi thấy mục đích của các buổi hội luận không phải để nghĩ ra ý tưởng mới mà để cho hội viên hiểu về sự kiện và tổ hợp sự kiện, về học thuyết và ý nghĩ vu vơ.
Nhưng làm sao để những người sáng tạo chịu tham gia? Đầu tiên và trên hết, phải có cảm giác dễ chịu, thoải mái, và đồng thuận về một môi trường tự do. Người đời nhìn chung không ủng hộ sáng tạo, và sáng tạo trước quần chúng là thảm hoạ. Ngay việc suy đoán trước quần chúng thôi cũng khá phiền hà. Vì vậy mỗi cá nhân phải có được cảm giác mình không bị người khác phản đối.
Nếu một cá nhân tham dự mà không cảm thông với những ý kiến ngờ nghệch tất yếu sẽ xuất hiện trong buổi luận, thì số người còn lại sẽ câm lặng. Cá nhân thiếu cảm thông ấy có thể là mỏ vàng thông tin, nhưng tổn hại y gây ra sẽ lớn hơn những gì y bù đắp. Vậy nên, tôi thấy bắt buộc là thảy những người trong hội luận phải sẵn lòng nói ra cũng như lắng nghe ý kiến ngờ nghệch.
Nếu một cá nhân tham dự có danh tiếng hơn, hoặc hùng biện giỏi hơn, hoặc có tố chất chỉ huy hơn mọi người, y có thể lấn át hội nghị và dìm số người còn lại xuống thấp hơn cả tay sai. Cá nhân như thế có thể vô cùng hữu dụng, nhưng chắc y hợp làm việc đơn độc hơn, vì y đang vô hiệu hoá những người khác.
Số lượng tối ưu thành viên trong nhóm có lẽ sẽ không cao. Tôi áng chừng không nên quá năm người. Nhóm lớn hơn có thể cung cấp nhiều thông tin hơn, nhưng dễ có căng thẳng vì phải chờ đến lượt nói, rồi dễ sinh ra bực dọc. Có lẽ tốt hơn hãy mở các hội luận với những người tham dự khác nhau, thay vì một buổi hội luận mời tất cả cùng dự. (Điều này dẫn đến việc phải nhắc lại vấn đề buổi trước, nhưng việc nhắc lại không có hại gì. Đó không phải ôn lại bài cũ, mà là truyền cảm hứng cho người đến sau.)
Để được kết quả tốt nhất, nên tạo ra cảm giác không trang trọng. Không khí vui nhộn, gọi tên thân mật, trêu chọc, nói đùa, tôi thấy điều đó tối quan trọng—không phải vì bản thân sự ấy, mà bởi vì sự ấy khích lệ người ta hoà mình vào cái chất điên điên của việc sáng tạo. Vì thế nên tôi nghĩ gặp gỡ ở nhà riêng ai đó hay ở trên bàn ăn nhà hàng nào đó thì hiệu quả hơn ở phòng hội nghị.
Có lẽ gây ức chế hơn cả là cảm giác trách nhiệm. Nhiều ý tưởng vĩ đại của nhiều thời đại đến từ những người không được trả tiền để nghĩ, hãy trả tiền để họ làm giáo viên, làm thư kí giỏi, làm viên chức tồi, hoặc đừng trả tiền gì cả. Ý tưởng vĩ đại chỉ đến như hệ quả phụ.
Cảm thấy tội lỗi vì không kiếm được tiền và không kiếm được tiền vì không nghĩ được ý tưởng vĩ đại là cách chắc chắn, theo tôi thấy, để đảm bảo là ý tưởng sẽ không đến trong lần này hay lần tới.
Dầu vậy công ti chạy chương trình này bằng tiền chính phủ. Nghĩ đến việc các nghị sĩ hay quần chúng đàm tiếu là giới khoa học đang ăn không ngồi rỗi, cợt nhả tục tĩu bằng tiền chính phủ thôi là chúng ta lạnh sống lưng. Thực tế, một nhà khoa học tầm trung cũng đủ lương tâm để không màng làm việc đó dù không ai biết đi nữa.
Tôi đề xuất cho các thành viên của hội luận được nhận vài nhiệm vụ nhỏ—viết báo cáo ngắn, hoặc tóm tắt luận điểm, hoặc trả lời nhanh các vấn đề đưa ra—và được trả tiền, tiền này sẽ dùng làm phí trả cho các buổi hội luận. Sau đó hội luận sẽ chính thức miễn phí và như vậy mọi người sẽ được thoải mái lên nhiều.
Tôi không cho rằng hội luận có thể vắng người chủ trì. Cần ai đó tương đương với bác sĩ phân tâm học để đảm nhiệm vị trí này. Bác sĩ phân tâm học, theo tôi hiểu, bằng cách hỏi đúng câu hỏi (ngoài việc đó thì càng ít can thiệp càng tốt), nhằm khiến bệnh nhân tự thảo luận về quá khứ đời họ và tự thân bệnh nhân nảy ra hiểu biết mới về quá khứ đời mình.
Bằng cách tương tự, người điều hướng cũng ngồi đó, khuấy động mọi người, hỏi những câu sắc sảo, chêm bình luận cần thiết, nhẹ nhàng dẫn mọi người về chủ đề chính. Vì người điều hướng sẽ không biết câu hỏi nào là sắc sảo, bình luận nào là cần thiết, chủ đề chính ở đâu, nên công việc này không hề dễ dàng.
Còn về “công cụ” để khơi gợi sáng tạo thì tôi nghĩ tự khắc sẽ xuất hiện trong các buổi hội luận. Nếu có bầu không khí thoải mái, được rũ bỏ trách nhiệm, được thảo luận tuỳ thích, và được bất tuân lương thức, thì tự các hội viên sẽ tạo ra phương tiện để kích thích thảo luận.

MIT Technology Review đăng với đồng thuận của bên giữ bản quyền cho Asimov.


Chú thích của người dịch:
[*] Từ lương thức tôi dùng để dịch common sense trong tiếng Anh, tuy từ này chưa có trong từ điển nhưng không phải lạ lẫm trong giới học thuật, ít nhất nó đã xuất hiện vài chục năm trước do Cao Xuân Hạo sử dụng. Thường thường common sense được dịch thành lẽ thường hoặc thói thường, tuy nhiên hai phương án này đúng nhưng chưa đủ. Khi ai đó làm theo lẽ thường tức là ít nhiều họ có một lí lẽ thôi thúc đằng sau, còn thói thường tức là do lối mòn thói quen của họ hoặc cộng đồng, trong khi common sense bao gồm cả hai nghĩa trên và còn nhiều hơn nữa.
Lương thức đã xuất hiện trong các cuộc triết luận từ thời Hi Lạp cổ, nó mang nghĩa là một tri thức đúng đắn và tự có mà không cần qua đào luyện hay suy tư. Ai cũng tự có tri thức này và không giải thích được tại sao có. Lương thức là thứ người ta sử dụng hằng ngày trong cuộc sống đời thường và có lẽ khó sống bình thường được nếu không có. Lương thức mang sắc thái tích cực cho đến Thời đại Khai sáng, lúc này ý nghĩa của nó vẫn thế nhưng mang thêm sắc thái tiêu cực vì lương thức nhiều khi đồng nghĩa với định kiến và thói thường. Bài luận của Isaac Asimov viết năm 1959 trong thời kì Chiến tranh Lạnh nên tất nhiên có thể tham chiếu đến cả hai sắc thái.

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, nói chuyện ngành giáo dục

 

img_0
Nguồn ảnh: Tuổi Trẻ Cười
Chẳng khó để bắt gặp những bài báo, những bài đăng trên các hội nhóm quan tâm tới giáo dục, hay các quan điểm cá nhân trên mạng xã hội thể hiện sự mất kiên nhẫn, ngao ngán, thậm chí đả kích nền giáo dục Việt Nam cũng như những con người trong nền giáo dục ấy. Sự ngán ngẩm len lỏi vào từng ngóc ngách trong tất cả những mạng lưới, từ chuyên môn tới không chuyên môn, mà tôi tham gia.
Là một người thụ hưởng nền giáo dục ấy từ nhỏ và hiện tại đang làm việc trong ngành giáo dục, tôi hiểu rằng sự ngán ngẩm đó không phải vô cớ. Nền giáo dục nước ta, quả thật, còn quá nhiều những khúc mắc cần gỡ và còn quá nhiều khoảng trống để lấp đầy. Nhưng có lẽ, sẽ thật không công bằng khi chúng ta chỉ nhìn thấy những điều nền giáo dục nước ta không làm được hoặc không chịu làm, và cũng thật không công bằng khi chỉ thấy những con người xấu xí và ì trệ trong nền giáo dục ấy. Vì vậy, dù vẫn tìm thấy mình ở đâu đó trong những ngán ngẩm kia, trong bài viết này, tôi sẽ chỉ “biện hộ” cho nền giáo dục và những người làm giáo dục ở nước ta.
Nút thắt giáo dục ở đâu?
Tôi tin rằng những người giỏi nhất về tư duy thiết kế hay những chuyên gia giáo dục hàng đầu cũng chưa trả lời được câu hỏi này, vì nếu họ trả lời được rồi thì chắc chúng ta hẳn chẳng ngồi ca cẩm về nền giáo dục nước nhà nhiều đến vậy, mà lại còn toàn quay qua quay lại ca cẩm những chuyện đã ca rồi. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì chúng ta có quá nhiều nút thắt phải tháo gỡ, nút này lại quàng sang nút kia.
Chúng ta đã có một cuộc tranh luận về đổi mới sách giáo khoa kéo dài từ hè sang thu, giờ tới mùa đông vẫn chưa kết thúc. Cách đây vài năm, nhiều người phản đối kịch liệt việc độc quyền sách giáo khoa và kêu gọi sách xã hội hoá, kêu gọi một chương trình- nhiều bộ sách. Năm nay chúng ta có điều đó, và nhiều người lại hoài nhớ về thời mà một bộ sách dùng từ thời anh sang em hết năm này qua năm khác cho khỏi tốn tiền.
Chúng ta đã so sánh rất nhiều, rằng trường học ở nước khác có cơ sở vật chất hiện đại, có nhiều phòng thí nghiệm, có phòng tập thể thao, có phòng tư vấn tâm lý học đường, có máy chiếu, có này có khác, chẳng như trường ở nước mình. Bây giờ chúng ta cũng có những thứ đó ở rất nhiều nơi. Nhưng chúng ta lại có vấn đề mới: chúng ta thấy những sự đầu tư kia lãng phí quá vì nhiều trang thiết bị, phòng ốc chẳng được dùng hiệu quả.
Chúng ta cũng có cuộc tranh cãi không hồi kết về chương trình giảng dạy. Ngay trong diễn đàn giáo dục tôi tham dự vài ngày trước, hai giáo sư đầu ngành cũng bày tỏ quan điểm trái ngược nhau. Người thì cho rằng chương trình giờ đã cắt giảm tới hết sức có thể rồi, vạc tới tận xương rồi, bao nhiêu nội dung quan trọng không thể dạy được cho học sinh chỉ vì áp lực…giảm áp lực. Người thì lại thấy chương trình học nặng nề một cách phi lý, học sinh oằn mình ra học chẳng có thời gian làm gì khác.
Về tự chủ trường học, kiểm tra đánh giá, huy động khu vực tư nhân, giáo dục đại học, phân luồng đào tạo nghề, trách nhiệm giải trình…ở lĩnh vực nào chúng ta cũng đều có những tranh luận và có những khúc mắc cần giải quyết. Những giải pháp mới lại mang đến những vấn đề mới, quẩn quanh.
Và chúng ta cũng phải giải quyết một nút thắt quan trọng nhất: vấn đề con người. Đổi mới sách giáo khoa sẽ chẳng mấy ý nghĩa nếu giáo viên không biết sử dụng chúng hiệu quả; nhiều không gian sáng tạo hơn chẳng thể đem lại thay đổi nếu người giáo viên không biết tận hưởng không gian ấy; đầu tư trang thiết bị làm sao đem lại hiệu ứng gì nếu người giáo viên vẫn dạy học theo cách cũ và chẳng biết cách sử dụng. Thế là chúng ta tổ chức tập huấn giảng dạy, lập những kế hoạch nghìn tỉ để đào tạo giáo viên, viết ra nhiều quy định về những việc họ phải làm và không được làm trong lớp học. Những điều chúng ta làm, tất nhiên, lại làm nảy sinh ra nhiều tranh cãi mới.
Tôi đã từng đọc ở đâu đó, người ta nói rằng bài toán chất lượng giáo dục của chúng ta giống như một chiếc hộp đen: chúng ta biết những gì sẽ đi vào cái hộp đó và chúng ta mong chờ những gì sẽ đi ra khỏi nó, nhưng lại hoàn toàn mù mờ và bối rối về những gì diễn ra bên trong. Và thế là đám đông ngao ngán về bộ giáo dục, về ngành giáo dục, mà quên đi rằng những người làm giáo dục đang phải giải một bài toán quá khó, đang phải mò mẫm tìm hiểu một cái hộp đen.
Tháo nút thắt thế nào?
Khi muốn giải quyết bài toán nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta có nhiều cách tiếp cận khác nhau, bao gồm cách tiếp cận đơn yếu tố và đa yếu tố. Tôi phải tự nhận mình không phải chuyên gia nghiên cứu chính sách, nhưng những gì tôi quan sát được cho tôi thấy trong một khoảng thời gian dài, chúng ta vẫn tranh cãi từ góc độ tiếp cận đơn yếu tố mà quên đi rằng bức tranh giáo dục nước mình rất phức tạp, đòi hỏi những thay đổi mang tính hệ thống và sự tham gia của nhiều người. Chỉ bộ giáo dục và những người làm gíao dục nhận chỉ trích vì những thay đổi trong giáo dục là không công bằng.
Ví dụ, chúng ta chỉ trích giáo viên chưa đạt chất lượng trong khi họ là trái tim của bất cứ đổi thay giáo dục nào. Chúng ta kéo họ vào những dự án nghìn tỉ đồng, yêu cầu họ tham gia học tập, nâng cao chất lượng giảng dạy. Chúng ta cũng viết thêm nhiều chính sách, quy định, yêu cầu giáo viên phải làm theo cách mới, phải nâng cao chất lượng giảng dạy. Chúng ta lên mạng xã hội chê trách, chỉ trích họ, mong đợi họ chuẩn bị cho con em mình một tương lai tốt đẹp. Điều này tốt thôi, nhưng hãy nhìn xem giáo viên của chúng ta là ai và chúng ta đang đối xử với họ thế nào.
Tôi vẫn nhớ mãi cảm giác chua chát khi nghe thầy Lê Thống Nhất nói về giáo viên ở ta, về câu nói lâu nay về ngành sư phạm: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Khi đọc về giáo dục ở Phần Lan, tôi cảm thấy thực sự ghen tị vì ở đó nghề giáo là một trong những nghề danh giá và được các bạn trẻ khao khát nhất. Người trẻ phải phấn đấu gian nan và ao ước trở thành giáo viên cũng như họ khao khát làm những nghề danh giá như luật sư, bác sĩ. Còn ở ta, tôi cho rằng nghề giáo ngày nay trở thành một trong những nghề kém hấp dẫn nhất, thường chỉ thu hút được những bạn không còn lựa chọn nghề nghiệp nào. Các trường sư phạm không còn cách nào đạt chỉ tiêu tuyển sinh nếu không hạ điểm chuẩn đầu vào xuống rất thấp, tiếp tục khiến cho hình ảnh nghề giáo càng thảm hại. Vậy thì ta mong chờ thay đổi lớn lao, kì vĩ nào từ người làm giáo dục khi ta đối xử với nghề của họ như vậy?
Người giáo viên ngày nay được đặt ở đáy tháp quyền lực. Họ chịu áp lực thực hiện những quy định ngặt nghèo của quốc gia, phân công và những chính sách thi đua của nhà trường, mong đợi của phụ huynh, sự soi xét của truyền thông, và cả những áp lực ngày càng lớn từ phụ huynh và học sinh. Họ được mong đợi làm rất nhiều điều cho cuộc đời của rất nhiều người với mức lương thua cả những người làm bảo vệ, dọn dẹp. Khi đại dịch Covid xảy ra, họ cũng cần được ‘giải cứu’ như người ta ‘giải cứu’ dưa hấu, thanh long. Dưới một bài tôi viết trên Spiderum về giáo dục, có một bạn bình luận “chúng ta đang đòi ăn ở nhà hàng gắn sao Michelin với mức giá vỉa hè”. Tôi thấy chua chát. Thực sự thì ta thử nghĩ xem, bộ giáo dục có thể một mình giải quyết chính sách giáo viên không? Có lẽ là không. Chúng ta cần nhiều “bộ” mới giải quyết được nút thắt này.
Chưa kể, chúng ta cần cả nhân dân để thay đổi. Hãy nhìn sâu hơn vào những tầng lớp của ý thức hệ và lịch sử, ta sẽ thấy cách mà nghề giáo đang được đối xử chẳng phải ngẫu nhiên. Tôi từng nghe PGS, TS. Võ Trí Hảo chia sẻ, thời bao cấp, người ta thường truyền tai nhau câu nói “con lợn nhà em ăn ít như ông thầy giáo”. Với rất nhiều người, thầy giáo là phải nghèo, không được giàu, “thầy học là phải ăn ít”. Suy nghĩ ấy có lẽ nào liên quan tới việc trong ý thức hệ và trong tâm tưởng, chúng ta vốn tôn thờ những người thực hành sống khổ hạnh, và mong đợi người giáo viên cũng cần như vậy? Vậy thì ta mong đợi gì? Ta mong tuyển chọn được những người giỏi nhất và liêm chính nhất làm một công việc nghèo nhất? Có công bằng không? Và người làm giáo dục có phải người giải quyết được định vị hình ảnh của họ trong tâm tưởng của nhân dân?
Hơn nữa, những tư tưởng Nho Giáo ăn sâu trong đầu khiến chúng ta quá quen với việc ông thầy là nhân vật trung tâm trong giáo dục con em. Bố mẹ Việt lâu nay vẫn quen “trăm sự nhờ thầy” và quên rằng việc giáo dục một đứa trẻ thành người tử tế và hiểu biết đòi hỏi phần nhiều ở cha mẹ và cả xã hội. Khi một đứa trẻ không lớn lên như bố mẹ kì vọng, họ quay sang thầy cô để tìm lý do. Họ quên rằng với tư cách là bố mẹ đứa trẻ, họ là một phần của đổi thay giáo dục.
Trong ví dụ này, tôi đang chỉ nhắc tới một nút thắt giáo dục là người giáo viên. Để giải quyết riêng nút thắt này, ta đã cần những đổi thay từ chính sách của các bộ ngành liên quan tới những người làm cha mẹ, tới tâm tưởng, ý thức hệ của nhân dân. Một mình nỗ lực đơn phương của bộ giáo dục và những người làm giáo dục sẽ chẳng đi đến đâu nếu những nhân tố khác trong hệ thống không thay đổi. Có thể dễ dàng tưởng tượng vấn đề cải cách giáo dục còn phức tạp thế nào khi chúng ta cần gỡ rất nhiều nút thắt khác. Chúng ta muốn cải cách sách giáo khoa sao? Được thôi, những bộ sách xã hội hoá là xu hướng hiện đại tất yếu thay cho sách quốc định độc quyền. Nhưng chúng ta có giáo viên đủ chất lượng để tự chủ việc sử dụng những bộ sách ấy chưa? Vậy thì đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên, tuyển người giỏi làm giáo dục? Chúng ta lại quay lại đọc ví dụ trên từ đầu để tự có câu trả lời nhỉ?
Kết
Tôi đã có rất nhiều ý tưởng trong đầu trước khi viết bài này, nhưng khi mới chỉ viết về duy nhất một vấn đề, tôi thấy bài của mình đã trở nên dài hơn tôi mong đợi. Vậy nên, có lẽ tôi sẽ bàn tới các khía cạnh giáo dục khác trong một bài khác. Tất cả những gì tôi muốn nói ở đây là bài toán giáo dục mà chúng ta đang cho rằng những người làm giáo dục ở ta quá kém cỏi để giải quyết thực ra là một bài toán quá khó, có quá nhiều nút thắt, mà để giải nó mỗi chúng ta đều có phần.
Phó thủ tướng Võ Đức Đam từng nói, lý tưởng nhất là khi nhà hỏng, ta có thể tìm được một miếng đất mới để ở tạm rồi đập cả nhà đi xây lại. Nhưng khi mong đợi ấy là không thể thì ta đành phải ở tạm trong nhà cũ rồi kiên nhẫn sửa chữa từng phần một. Trong quá trình sửa chữa ấy, ta sẽ thấy những phần mới sửa nhiều khi chẳng ăn nhập với nhà của ta, nhiều khi kì cục, nhưng hãy kiên nhẫn đợi một ngôi nhà mới. Tôi từng nghe một người tâm huyết với giáo dục tâm sự rằng anh ấy mong từ giờ chúng ta đừng du nhập những trào lưu và xu thế của thế giới một cách chắp vá nữa mà hãy thay đổi và du nhập cả hệ thống của người ta về. Tôi cho rằng mong ước này đáng yêu, nhưng không thể thực hiện được, vì chúng ta làm gì có một mảnh đất khác để ở tạm trong lúc xây nhà.
Trong buổi phỏng vấn học bổng Fulbright, giám khảo có hỏi tôi nghĩ gì về nền giáo dục Việt Nam khi mà nó đang chịu quá nhiều chỉ trích và gây ra quá nhiều điều tiếng như vậy. Tôi đã nói rằng dù còn chưa tốt nhưng nền giáo dục đó đang thay đổi và cá nhân tôi thấy đó là những tín hiệu lạc quan. Có giám khảo gật gù, có người nhìn hoài nghi, còn tôi thì chỉ mong rằng thay vì chỉ trích, dằn vặt những người làm giáo dục, mỗi chúng ta hãy hiểu rằng ta cần kiên nhẫn chờ đợi nhà mình sửa dần, và mỗi chúng mình đều góp phần sửa nó, không phải chỉ có "ông bộ giáo dục" mới cần sửa.
******
Chúc mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam. Chúc những người thầy cô dũng cảm còn ở lại với nghề sẽ mãi dũng cảm và kiên cường như vậy.
Xin cảm ơn những chia sẻ của thầy Lê Thống Nhất và thầy Võ Trí Hảo đã tạo cảm hứng cho tôi viết bài này.

GIÁ TRỊ CỦA SỰ TỬ TẾ TRONG CÔNG VIỆC

 Trong suốt những tháng năm chấp nhận quăng mình ra khỏi vùng an toàn đó, điều mình được dạy nhiều nhất chính là sự tử tế trong công việc. Không có công việc nào có thể thực sự thành công nếu thiếu đi sự tử tế của từng cá nhân trong Dự án, tổ chức và đội nhóm đó.


Người ta thường nhầm lẫn khái niệm tử tế với đức tính tốt bụng. Thực ra, "tử tế" là một khái niệm rộng lớn hơn rất nhiều.
Mình chưa bao giờ là sếp hay lãnh đạo một Dự án tầm cỡ. Tất cả những gì mình có chỉ là trải nghiệm may mắn được tín nhiệm ở vị trí lãnh đạo của những Dự án nhỏ (đa số là những Dự án của các bạn trẻ và dành cho người trẻ) & may mắn được làm việc, trở thành thành viên của những Dự án lớn, được học hỏi từ những Leader, những người sếp luôn khiến mình phải học tập nhiều hơn với một lòng ngưỡng mộ và tôn trọng.  
Trong suốt những tháng năm chấp nhận quăng mình ra khỏi vùng an toàn đó, điều mình được dạy nhiều nhất chính là sự tử tế trong công việc. Không có công việc nào có thể thực sự thành công nếu thiếu đi sự tử tế của từng cá nhân trong Dự án, tổ chức và đội nhóm đó.

1. Sự tử tế ở cách làm việc với nhiệm vụ được giao:
Giống như câu chuyện về 5 đồng, 10 đồng hay 15 đồng mà tác giả Giản Tư Trung từng đề cập trong cuốn Đúng Việc (Bạn có thể xem đầy đủ ví dụ tại video này: https://www.youtube.com/watch?v=ABhZnZnHHw). Nhận một công việc, làm thật hoàn chỉnh với tất cả khả năng và sự nghiên cứu là một trong những biểu hiện của sự tử tế. Có nhiều người sẽ phản biện: Cuộc sống này không chỉ có mỗi công việc, nên chỉ cần làm vừa vừa thôi, việc quái gì phải làm thế. Đúng, nhưng chưa đủ. Đối với những người trẻ như mình, làm tử tế là cách tốt nhất để bạn tự khai phá chính bản thân mình. Biết được khả năng của mình ở đâu & hiểu mình thiếu sót những gì. Làm việc tử tế chắc chắn sẽ có lúc mệt, khó & một chút áp lực, nhưng nghĩ ngược lại, không tử tế thì sẽ thế nào?
- Thứ nhất: Bạn đánh mất uy tín của chính mình. Uy tín là thứ vô cùng quan trọng. Nói một cách thực dụng hơn, bạn sẽ chẳng bao giờ vừa giàu có vừa thành đạt nếu không có uy tín cá nhân (trừ khi bạn buôn hàng cấm, con tài phiệt hay làm giàu từ mánh khoé). Vì ai mà tin tưởng bạn? Ai còn dám giao tiền cho bạn làm?Và ai mà dám giao cả uy tín của bản thân họ cho một kẻ thiếu sự tử tế trong cách làm việc? Uy tín đổi ra được tiền bạc, nhưng tiền bạc chưa chắc mua được uy tín.
-Thứ hai: Bạn khước từ cơ hội phát triển năng lực của bản thân. Làm tí đã sợ bị lợi dụng. Làm tí đã sợ bị bóc lột. Nhưng đối với người chưa có kinh nghiệm gì trong tay nhưng lại cứ sợ mình mất mát. Xin lỗi nói thẳng, đã có cái quái gì để mà mất đâu. Đừng sợ bị lợi dụng khi bản thân chưa có gì, hãy làm sao để chính mình"có giá trị để được lợi dụng". Đây không phải là cách nói cổ suý cho tư duy bóc lột của các doanh nghiệp hay đạp đổ giá trị quan trọng của sức khoẻ và tầm quan trọng của cuộc sống cá nhân. Quan trọng là "Hãy thực sự khiến mình trở nên có gía trị"trước khi lo lắng quá nhiều về chuyện "được"&"mất".
2. Sự tử tế trong cách xây dựng các mối quan hệ công việc:
Tất cả những mô hình quản lí nhân sự hay lãnh đạo, cuối cùng đều được sinh ra để phục vụ cho 2 mục đích song phương: Quản lí con người & Phát triển tổ chức/doanh nghiệp/đội nhóm. Tuy là 2 mục đích trông có vẻ trái ngược nhau, nhưng đều có tác động qua lại và bổ trợ lẫn nhau.

Làm sao có thể làm việc với con người nếu không phát triển mối quan hệ công việc dựa trên những khía cạnh "người" nhất. Là cảm xúc, là tinh thần, lòng tin, tình yêu thương và cảm giác giữa người với người. Tại sao Google, FPT, Viettel hay một số những tập đoàn lớn lại đầu tư vào công tác PR, truyền thông nội bộ & việc xây dựng "văn hoá doanh nghiệp" nhiều đến vậy. Đó chính là vì để củng cố mối liên hệ có tính chất hai chiều giữa "Nhân sự" & "Lợi nhuận". Đội ngũ nhân sự giỏi thôi chưa đủ, để giữ chân & khiến cái giỏi của họ không trở thành vũ khí nguy hiểm đối với doanh nghiệp, thực sự không thể thiếu đi sự tử tế trong cách đối đãi giữa người với người, giữa sếp với nhân viên, giữa nhân viên với nhân viên. Tất cả mọi mô hình quản lí đều trở nên vô nghĩa và không khác gì cỗ máy hút cạn lòng nhiệt thành cống hiến & sự tận tâm của nhân viên nếu thiếu đi cốt lõi của sự tử tế cơ bản giữa người và người.
img_0

Ở một góc nhìn gọn gàng & giản đơn hơn:
Tử tế không chỉ đơn giản là tốt bụng.
Tử tế cũng không phải là chuyện bao đồng hay duy chỉ để sống vì người khác.
Tử tế suy cho cùng, là vì giá trị của chính bản thân mình, theo một cách tốt cả cho bản thân & người khác.