Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Tám nhảm về ‘Tứ Khoái’ của người Việt

 

Tranh ký họa của Sinh viên Trường Mỹ Thuật Gia Định, xuất bản năm 1935. Nguồn ảnh: Manhhai Photostream
“Tứ khoái”, một trong những nhân sinh quan dân gian cổ truyền, lâu đời nhất, đặc sắc nhất, độc đáo cũng vào loại nhất của người Việt.”
Phiếm đàm về Tứ khoái – Đường Văn, Hoàng Dân
Dạo này người ta nói nhiều về ước mơ, hoài bão, hạnh phúc, về cách làm sao phát triển bản thân và có đời sống tinh thần phong phú. Nay tôi xin mạn phép tám nhảm về “Tứ Khoái” của người Việt. Đó là 4 nhu cầu tạo nên khoái cảm cơ bản nhất trong cuộc đời con người. Chúng tầm thường, dung tục mà cũng rất thanh cao và vô cùng ý nghĩa:
“Tứ Khoái” bao gồm: Ăn, Ngủ, Làm tình và Bài tiết.
Bàn về “Tứ Khoái”, có rất nhiều câu chuyện, giai thoại; trong kho tàng ca dao, tục ngữ, văn thơ của người Việt cũng nói nhiều về đề tài này một cách hóm hỉnh, phong thú nhằm thể hiện ước muốn của các cụ ngày xưa về một cuộc sống khỏe mạnh, sung sướng và đủ đầy. 
Bài viết dưới đây là một vài cảm nhận, quan điểm và trải nghiệm của bản thân liên quan đến “Tứ Khoái”. Vì vậy sẽ không tránh khỏi những suy nghĩ còn hời hợt, nông cạn và phiến diện.

Nhất khoái: Ăn

“Ăn” là nhu cầu được xếp đầu tiên trong “Tứ Khoái”, cho thấy mức độ quan trọng của nhu cầu này đối với đời sống con người. Đó là hành động đưa thức ăn vào bên trong cơ thể, chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng để nuôi sống, giúp cơ thể hoạt động và phát triển.
Phàm làm bất cứ chuyện gì lớn trong đời, trước tiên phải có thứ bỏ bụng đã rồi tính tiếp. Vì có thực mới vực được đạo. Nhưng cũng chính vì vậy mà nó bị gán làm nguyên nhân của mọi sự thất bại, hèn nhát của con người ở xã hội cũ. Như nhà văn Nam Cao từng đau đớn thốt “Miếng ăn là miếng nhục”, nhà thơ Xuân Diệu cũng đồng cảm “Cơm áo không đùa với khách thơ”, dân gian thì truyền miệng câu: Miếng ăn là miếng tồi tàn/Mất ăn một miếng lộn gan trên đầu. Và hai câu thơ mà tôi nhớ nhất của cụ Chế Lan Viên:
“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”
(Người đi tìm hình của nước)
Nỗi lo về miếng ăn, sao cho có thứ lấp đầy cái bụng rỗng mỗi ngày, đã giết chết không biết bao nhiêu ước mơ, lý tưởng của nhiều người. Không chỉ ở xã hội cũ mà còn cả trong hiện tại.
Tranh ký họa của Sinh viên Trường Mỹ Thuật Gia Định, xuất bản năm 1935. Nguồn ảnh: Manhhai Photostream

Nhưng theo tôi, đó chính là lý do mà các cụ xếp “Ăn” vào cái khoái lạc đầu tiên của con người. Một cuộc sống không phải lo nghĩ về cái ăn. Một cuộc sống không phải chỉ là ăn để sống, mà còn ăn để thưởng thức, để ăn ngon; hành động ăn được nâng tầm lên thành một giá trị tinh thần, văn hóa. Đó là một những khoái lạc của cuộc đời người.
Lại nói tiếp về cái sự “ăn ngon”. Thế nào là ăn ngon một cách khoái lạc nhất? Là ăn đúng cái món khoái khẩu của mình? Là cảm giác mà vị của món ăn tràn ngập cả khoang miệng, rần rần nơi đầu lưỡi, mắt tít lại với cái vẻ đầy thỏa mãn? Ăn ngon hiển nhiên phải trải qua những cảm giác đó. Nhưng chưa đủ.
Giả sử trước mặt bạn là món ăn rất yêu thích. Nhưng người ăn cùng bạn là đối tác/khách hàng và đang trong giai đoạn thuyết phục để ký hợp đồng. Vậy liệu bạn có thể “ăn ngon” hay trong đầu chỉ quẩn quanh cái tờ hợp đồng quan trọng ấy? Hay bạn phải ngồi ăn trong một căn phòng chật hẹp, bốc lên mùi ẩm mốc, rác thải; bên ngoài thì chọi vào tiếng hát ư ử của hàng xóm với lời ca “Anh chàng đẹp trai ngồi trong quán uống ly cà phê, thấy một cô bé xinh thật xinh bước qua thật nhanh”, thì liệu bạn có thể “ăn ngon” được không?
Nếu trong tình huống ấy mà bạn vẫn có thể điềm nhiên thưởng thức thì xin chúc mừng, bạn đã đạt đến cảnh giới “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”!
Như vậy, “ăn ngon” không chỉ gói gọn trong việc thưởng thức món ăn mà còn bao gồm việc ăn với ai, ăn ở đâu, vào thời điểm nào. Và đối với tôi, “ăn ngon” không bao giờ là ăn một mình.
Rượu ngon, không có bạn hiền
Không mua, không phải không tiền không mua
(Khóc bạn – Nguyễn Khuyến)
Có món ăn ngon, ngồi trong không gian lý tưởng sông nước hữu tình nhưng chỉ “mình ên” thì thật, tôi cũng chẳng buồn động đũa. Cái sự khoái lạc cũng chỉ còn một nửa. Trong tiếng Trung và tiếng Nhật, chữ “Nhân” (人) nhìn tựa như hai con người dựa vào nhau. Tôi là một mảnh ghép không hoàn hảo. Bạn cũng là một mảnh ghép không hoàn hảo. Tôi và bạn dựa vào nhau, chúng ta cùng làm người.
Thật ra nếu tìm hiểu kỹ thì chữ “Nhân” này mang nhiều ý nghĩa hay ho hơn. Nhưng tôi thích ý này nhất. Cuộc đời không có tri kỷ thì mọi khoái lạc cũng trở nên vô nghĩa.

Nhị Khoái: Ngủ

Ăn ngon xong rồi thì làm gì?
Đi ngủ chứ gì! “Căng da bụng, chùng da mắt” mà. :D
“Ngủ” là cái khoái lạc xếp sau “Ăn”. Một giấc ngủ ngon, sâu sẽ khiến tinh thần trở nên khoan khoái, dễ chịu, hồi phục năng lượng sau một ngày dài làm việc mệt mỏi. Ngược lại, ngủ không đủ, khó ngủ hoặc mất ngủ sẽ khiến cơ thể vật vờ như xác sống trỗi dậy, người trở nên bẩn tính đi.
Tôi nhớ những lúc trái gió trở trời, căn bệnh của tôi tái phát. Mỗi lần vậy là tôi được một đêm không ngủ. Mũi khò khè thở, hai mắt nặng trĩu mà không sao ngủ được. Tôi vật vã, cứ trở mình liên tục như thế suốt đêm. Thỉnh thoảng quay sang nhìn con bạn ngủ say như chết trong cái tướng chẳng thể nào đẹp hơn, trong tôi bỗng trào dâng một ham muốn mãnh liệt là nhéo má nó thật mạnh, cho nó tỉnh ngủ chơi. Cơ mà tôi không muốn con cháu mình khát nước, nên đành dằn ham muốn xuống và cố chờ đến lúc hơi thở ổn định trở lại để được ngủ.
Đấy, cái sự mất ngủ dễ làm con người ta trở nên bẩn tính. Chỉ khi mất ngủ mới thấy quý những ngày đặt lưng nằm xuống là thẳng một giấc đến sáng; tỉnh dậy thấy người khoan khoái, tràn đầy sinh lực. Những ai đang trong độ tuổi làm việc, được người thương mang tên deadline giày vò mỗi ngày, hay phải chạy dự án thức đêm mấy ngày liền, thì hẳn điều hạnh phúc nhất với họ là được nghỉ bù và ngủ bù.
Ăn được, ngủ được là tiên
Không ăn, không ngủ, mất tiền thêm lo
(Ca dao)
Một giấc ngủ sâu không mộng mị, không nghĩ ngợi, không lo lắng. Nếu được mơ thấy crush, làm chuyện abcxyz thì thật khoái lạc không gì bằng. Mà để được một giấc ngủ ngon thì phải làm gì? (Không tính những người thức đêm làm việc, chăm con, bị chứng mất ngủ...)
Đơn giản lắm. Dồn hết năng lượng làm việc như điên vào ban ngày, không làm gì trái với lương tâm thì tự nhiên đến đêm, đặt lưng xuống là vào giấc ngủ ngon ngay.

Tam khoái: Làm tình

Trong “Tứ Khoái” thì có lẽ cái khoái thứ 3, làm tình này, là chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nó đem lại khoái cảm, thăng hoa cho con người cả về mặt cảm xúc lẫn xác thịt:
Dao đâm vào thịt thì đau,
Thịt đâm vào thịt, nhớ nhau suốt đời
(Ca dao)
Không chỉ vậy, tình dục hòa hợp còn là chất xúc tác cho tình cảm thêm khăng khít, thắm thiết; là dầu đổ vào lửa tình thêm nồng cháy. Nhiều cặp vợ chồng ban ngày hục hặc, cãi nhau chí chóe như chó với mèo; về đêm làm một trận thỏa mãn là lại gọi nhau “chồng yêu”, “vợ yêu” đầy tình cảm ngay. Nên ông bà ta nói cấm có sai: “Vợ chồng cãi nhau đầu giường, làm lành cuối giường”.
Ấy vậy mà người ta thường tránh nói về tình dục, vì sợ bị xem là không đứng đắn hay có lòng tà dâm. Các tác phẩm văn chương có yếu tố sex thì thường được đánh giá là xôi thịt, phồn thực, khiêu dâm. Tất nhiên, vẫn có những tác phẩm đồi trụy thật sự. Nhưng không nên đánh đồng tất cả. Có ai cho rằng thơ của “thi quỷ” Hồ Xuân Hương là đồi trụy không?
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào nguyên nước chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong
(Thiếu nữ ngủ ngày)
Tranh Shunga của Nhật Bản. Nguồn: nhatbaovanhoa.com
Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Để đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen,
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.
Thọat mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Đem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà.
(Đánh cờ người)
Ối giời, “Đánh cờ người” chẳng phải là một bài thơ tả không thể nào chân thật hơn về một cuộc mây mưa mãnh liệt của “chàng” và “thiếp” hay sao? Nhưng cũng không ai phủ nhận đây là bài thơ tả về một trận đánh cờ đích thực của hai kỳ phùng địch thủ, tuy rằng có hơi kỳ lạ là lại lôi nhau đi đánh cờ vào “đêm khuya trằn trọc”.
Thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương nói về tam khoái của con người một cách tục tục mà lại thanh thanh: đem một trò chơi trí tuệ rất tao nhã làm ẩn dụ cho cái chuyện giao hợp vốn được cho là dung tục của con người.
Vì vậy, không phải cứ viết về sex thì quy cho là đồi trụy, khiêu dâm, mà còn phải đặt nó vào bối cảnh chung của toàn truyện và dụng ý của tác giả. Không chỉ trong tác phẩm văn chương mà ngoài đời cũng vậy. Tôi nghĩ cũng đến lúc người ta cũng nên cởi mở và nghiêm túc hơn khi nói về sex, để “vẽ đường cho hươu chạy đúng”.
Vì khác với xã hội xưa, giới trẻ bây giờ cũng đã có cái nhìn thoáng hơn về tình dục. Phụ nữ không còn ám ảnh chuyện trinh tiết và đàn ông thì không còn khắt khe hay đánh giá nhân phẩm phụ nữ chỉ qua cái màng thịt mỏng ấy. (Ông nào mà còn khắt khe thì sẽ bị hội Eva ném đá là nhỏ nhen, cổ hủ, ích kỷ ngay. Và tôi cũng vậy he he)
Nhưng chính vì giới trẻ đã có cái nhìn thoáng hơn nhưng lại không được hướng dẫn một cách đúng đắn (bởi gia đình, trường học, xã hội) nên cũng đã xảy ra không ít hệ lụy. Một trong số đó là nạn phá thai ở Việt Nam được tổ chức Y tế (WHO) đưa vào danh sách một trong 5 nước có tỷ lệ cao nhất thế giới nói chung và là nước đứng đầu châu Á nói riêng. Các bạn có thể xem thêm thông tin tại đây:
Vì vậy, việc giáo dục giới tính và văn hóa tình dục là một việc hết sức cần thiết trong xã hội hiện nay. Các bạn trẻ cũng không nên thụ động mà cần chủ động tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định tiến tới một bước xa hơn trong tình cảm. Hãy yêu văn minh và làm tình có văn hóa. Hãy yêu nghiêm túc và làm tình có trách nhiệm. Vậy thôi.

Tứ khoái: Bài tiết

Trước khi đọc tiếp thì xin lưu ý, phần này chống chỉ định cho người đang ăn, bà mẹ có thai hoặc đang cho con bú. 
Có người nói, toilet là phát minh vĩ đại nhất của loài người. Ngẫm lại thì quả không sai.
Lúc tôi còn nhỏ, đó là cái thời mà chưa du nhập kiểu toilet phương Tây như hiện nay. Hoặc nếu có thì chỉ ở những hộ gia đình trên thành phố. Còn nhà vệ sinh nơi quê nghèo thì thường là những chuồng xí hay cầu tõm, hoặc nếu nhà gần cánh đồng thì, ôi trời cao lồng lộng, đồng không mông quạnh, không gian thoáng mát, ta vô tư *a rồi lại vô tư ngửi sh*t của mình.
Nhà tôi thì đối diện một con sông. Hễ nhà bị cúp nước, mỗi lần muốn đi tiểu hay đại tiện, tôi phải chạy ra cái cầu tõm ở giữa sông. Đại để là toàn bộ sản phẩm của tôi sẽ trực tiếp rơi tõm xuống sông, không phải mất công xối nước.
Nơi tôi ở cũng gần biển nên mỗi cuối tuần, ba tôi thường đưa tôi và em trai đi tắm biển. Có lần đang tắm, tôi thấy thứ gì đó đang trôi dạt vào theo con sóng, cách tôi một khoảng không xa. Nhìn kỹ thì hóa ra là một cục sh*t khá to. Tôi khá xúc động và nghĩ, lẽ nào đây là một trong những “quả” mà tôi đã gieo trước đó? Nhân quả là có thật, chỉ là nó đến sớm hay muộn thôi các bác ạ. Nhưng mà quả này thì tôi có thể từ chối không nhận. Nghĩ vậy, tôi lập tức vào bờ và từ đó không bao giờ đến vùng biển này tắm nữa.
Những cái chuồng xí, cầu tõm hay nơi để xả nỗi buồn mang tên “cánh đồng” quá sức tổn hại đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Mỗi năm có gần 1,5 triệu trẻ em chết vì tiêu chảy – một cái chết vô lý nếu có nhà vệ sinh đúng cách và được cung cấp nước sạch. Nên khi nghe người ta bảo “Phát minh ra WC là một cuộc cách mạng. Không phát minh nào cứu được nhiều mạng sống hơn và cải thiện sức khỏe con người như thế”, tôi phải vỗ đùi đen đét để bày tỏ một sự đồng tình mãnh liệt.
Quay trở lại về ý nghĩa “tứ khoái” của cái sự bài tiết. Khi đang buồn *a mà được đi giải quyết thì còn gì hạnh phúc hơn, khoan khoái hơn. Ngược lại, đang buồn mà phải nhịn thì còn nỗi đau nào thống khổ hơn?
Đau khổ chi bằng mất tự do
Đến buồn đi ỉa cũng không cho
Cửa tù khi mở, không đau bụng
Đau bụng thì không mở cửa tù!?
(Nhật ký trong tù – Hồ Chí Minh)
Và có một đất nước đã áp dụng công nghệ để biến nhu cầu này trở nên thống khoái một cách thật sự. Đó là Nhật Bản với cái toilet “made in Japan” siêu hiện đại, siêu thông minh. Nó tự động từ A đến Z, làm mọi việc cho con người từ việc phun rửa, xối nước làm khô, sưởi ấm khi trời lạnh. Có cả loại tự động đóng mở nắp toilet khi có người vào. Đặc biệt, cái tôi thích nhất là nó có tính năng phát nhạc hoặc phát tiếng nước chảy để người bên ngoài không nghe thấy được cái âm thanh thiếu tế nhị khi mình đang hành sự. Người Nhật ở mấy khoản này thì rất là tinh tế. :D

Kết

Tranh ký họa của Sinh viên Trường Mỹ Thuật Gia Định, xuất bản năm 1935. Nguồn ảnh: Manhhai Photostream

Chung quy thì “Tứ Khoái” chỉ là bốn nhu cầu cơ bản cần có trong cuộc đời một con người. Tùy vào mỗi người mà sẽ xuất hiện nhiều cái khoái khác nhau. Có người khoái lấy ráy tai, người thì khoái tắm, người thích được vỗ mông đen đét khi làm tình. Tôi thì, một trong những cái mà tôi khoái chính là “những khi được đọc một đoạn văn như đoạn này, mà lại hiểu được tất cả cái hay, thì dẫu ăn một món ăn ngon đến đâu cũng không thích bằng. Sướng lắm!” (Đời Thừa – Nam Cao).
Nhưng khoái nào rồi cũng sẽ thay đổi theo độ tuổi, trải nghiệm, môi trường, chỉ có “Tứ Khoái” là mãi trường tồn với con người. Xin được phép kết thúc bài viết dài này bằng bài thơ “Tứ khoái” của nhà thơ Bùi Chí Vinh:
Ăn, ăn cho đã lúc thèm
Ngủ, ngủ cho sướng những đêm thức ròng
Yêu, cho đã lúc nằm không
Thải ra cho đã những lần bón, kiêng

Vài lời nhắn lão Tề Thiên
Tội chi không liệng vòng kiền Kim Cô?
29.9.2018
Huỳnh Lê Kim Ngân