Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Kết Nối Với Ai

 

img_0
Khi đọc về các tin tức phòng chống dịch của các tỉnh, mình hay nghĩ đến từ "mất kết nối", tức những người đưa ra văn bản, đưa ra chính sách đó họ dường như không ở chung thế giới của đám đông. Cho nên những gì họ bắt người khác phải làm, khi họ thấy được áp dụng trên thực tế, nó tạo ra kết quả tệ hại đến mức họ phải thay đổi liên tục.
img_1
img_2
img_3
Có lần mình nghĩ rằng sự mất kết nối này đến từ trình độ của mỗi cá nhân. Có một lần mình nói chuyện với anh bạn từng làm chung trước đây, anh nói rằng anh đang làm ứng dụng bán hàng để giúp các hộ kinh doanh gia đình dễ dàng thanh toán điện tử, quản lý việc bán hàng trên ứng dụng điện thoại. Anh nói rằng trong thời gian đầu anh sẽ chỉ nhắm đến những người bán hàng offline, sau đó mới triển khai bán hàng online. Mình mới thắc mắc rằng tại sao không làm cả hai cùng lúc? Anh bảo rằng anh đã chia nhỏ tệp khách hàng, và đối tượng bán hàng online là đối tượng khác, cần có các tính năng khác. Sau một hồi tranh luận để thuyết phục anh nghĩ lại, mình "bắn một tràng":
- Vậy theo ông một người bán phở nhận đặt hàng qua Grab hay Baemin thì họ có đang bán hàng online hay không? Hoặc chị bán quần áo họ nhận đặt hàng qua Zalo và nhận thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng thì có là bán hàng online không? Với lại khi ông giới thiệu ứng dụng cho cửa hàng này, họ bảo rằng giờ khách của họ có đủ loại, kể cả khách mua qua Facebook, khách mua trực tiếp, ông sẽ phân loại họ thế nào?
- Uhm thì thôi, thì với những nhóm đó mình khoan hẵng tiếp cận.
Anh bạn trả lời một cách lúng túng, có vẻ để chống chế nhiều hơn. Dường như trong tâm trí anh bán hàng online là phải có website, hoặc phải lên Tiki, Shopee để bán. Có vẻ như anh không ngờ được hành vi bán hàng lại phức tạp như thế. Nhưng điều đó không hề phức tạp và mới, ít nhất là với những người hằng ngày mua sắm lặt vặt trên mạng. Anh bạn tôi cũng dùng Grab đặt đồ ăn và nói chuyện với shop trên Zalo để mua quà tặng bạn gái, nhưng trong tâm trí anh anh chưa bao giờ nghĩ rằng đó là online.
Có vẻ như khi làm ứng dụng mới của mình, anh đã phải đưa ra lựa chọn giữa việc đối mặt với sự phức tạp của hành vi người dùng và thế giới giản đơn trong tâm trí anh. Và anh đã chọn điều thứ hai, có thể vì anh không kết nối được thế giới trong tâm trí anh với thực tại bên ngoài.
Mỗi lần mình nhớ lại chuyện này, mình không bất ngờ lắm với việc có những lãnh đạo sống chung với dân cả chục năm nhưng khi đưa ra chính sách thì cứ như họ đang ở tầng mây khác. "Anh chỉ thấy, chứ anh không quan sát", nhân vật thám tử Sherlock Holmes đã từng nói như vậy với bác sĩ đồng nghiệp Watson. Mỗi lần họ đi thị sát địa phương thì cũng giống như giáo viên tổ chức tiết học dự giờ: đến những nơi đã được chỉ định, nghe những bài nói đã được chuẩn bị trước, gặp những người đã được chọn gặp, nghe bà con chia sẻ những thứ đã được lọc.
Thật kỳ lạ khi những người ra văn bản hỏa tốc trong đêm gây ra sự bất an cho dân chúng, khiến người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, lại là người chỉ trích sự vô trách nhiệm của người dân. Hoặc là họ không biết được sự phức tạp trong hành vi của con người, hoặc là họ không ngờ con người sẽ thay đổi hành vi khi có thông tin mới được đưa ra. Có một sự mất kết nối nghiêm trọng với thực tế đang xảy ra ở đây. Dường như có những người vẫn sống ở thời phong kiến, dù họ đang được hưởng thụ nền giáo dục cách mạng, báo chí cách mạng, cách mạng công nghệ. Ở thời đó quan là cha mẹ, dân là con và quan bảo gì con nghe đó, mọi người phải "vâng lời".
img_4
Hoặc là họ biết những sự lố bịch đó nhưng có một nguyên nhân bí ẩn gì đó khiến họ vẫn làm vậy một cách bất chấp.
Mình nghĩ cái nguyên nhân bí ẩn đó mới là thứ then chốt cho những quyết định tồi tệ đã được đưa ra. Việc đưa ra quyết định kém là một phần, nhưng việc liên tục lặp đi lặp lại các quyết định yếu kém, của những nhóm lãnh đạo khác nhau ở những địa phương khác nhau: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Cần Thơ, đều cho thấy một vấn đề chung: mọi người làm vì sợ trách nhiệm nhiều hơn là quan tâm đến kết quả.
Bạn có thể hiểu ở đây là: "Thà làm sai rồi bị chỉ trích còn hơn là không làm". Một người thân của mình làm trong chính quyền địa phương đã buồn bã nói rằng bây giờ mọi người đều rất hoảng trong việc quản lý, họ không biết phải làm sao nhưng họ bắt buộc phải làm gì đó. Họ phải cho lãnh đạo cấp trên thấy rằng họ đang chống dịch một cách quyết liệt, và do đó họ phải làm điều gì đó, một điều gì đó thể hiện sự quyết liệt đó. Thế là một loạt các văn bản "hỏa tốc" được đưa ra liên tục, sai thì thôi mình thu hồi, chẳng sao cả.
img_5
img_6
img_7
img_8
Hãy nghĩ xem, hầu như chưa có lãnh đạo nào bị mất chức vì người dân chỉ trích năng lực yếu kém, họ chỉ bị mất chức vì vi phạm pháp luật hoặc vì lý do "nhạy cảm" từ phía cấp trên. Bài học cho thấy thà làm sai nhưng quyết liệt thì sẽ ổn hơn là làm hài lòng người dân nhưng trái ý ở trên. Do đó giải pháp tối ưu đó là kết nối với cấp trên, hiểu ý cấp trên muốn gì, hơn là hiểu ý người dân. Nếu mục tiêu tối thượng ở trên đặt ra là giảm số ca nhiễm, và nếu biện pháp mang lại kết quả đó nhanh nhất là bắt tất cả ở nhà, dừng hoạt động của shipper, xét nghiệm diện rộng để phát hiện sớm F0, thì tại sao lại không làm?
Điều này thể hiện nhất qua các phiên "kiểm tra bài" của Thủ tướng với lãnh đạo địa phương, nhìn cách cuộc họp được tiến hành cũng thấy áp lực phải "trả bài" với lãnh đạo ở trên lớn hơn nhiều lần so với áp lực phải "trả lời" với người dân. Rõ ràng áp lực trả bài này khiến lãnh đạo địa phương chỉ quan tâm tới tình hình hiện tại ở địa phương mình chứ không quan tâm đến cái nhìn cục bộ, cho nên mới có chuyện ở vài vùng, người dân đi từ phường A qua phường B thì phải xin phép chính quyền phường B, hoặc là nặng hơn là vụ định nghĩa hàng thiết yếu: mỗi tỉnh một định nghĩa và xe đi qua tỉnh A lại không được phép đi qua tỉnh B.
Chính vì áp lực phải báo cáo với cấp trên mà người ta không chút cân nhắc khi áp dụng các biện pháp cực đoan với dân chúng.
img_9
img_10
Thật ra những gì người dân trải qua cũng một phần là do lỗi người dân. Những sự vô cảm, những sự kém cỏi này người dân đã thấy cả chục năm qua, nhưng những gì chúng ta làm là làm ngơ, "thôi đừng đụng vào cho yên thân", miễn mình còn có việc làm còn có tiền thì đừng để tâm mấy chuyện chính trị này. Những người làm chính trị không kết nối với chúng ta mà kết nối với hội kín của họ, thì đó là chuyện của họ, chúng ta cũng không muốn kết nối với họ.
Cuối cùng thì chúng ta xứng đáng có được những gì chúng ta đã bỏ công sức vào quan tâm, đóng góp thôi.